TRONG MẠNG CỦA BẠN CÓ BAO NHIÊU TIỀN CỦA, THÌ DÙ ĐEM ĐI ĐÂU BỎ CŨNG CHẲNG MẤT
(Bạn Giỏi Ư, Đa Mưu Ư, Tại Sao Bạn Không Giàu Có ? Tại Sao Bạn Luôn Thất Bại ? Tất Cả Đều Do Số Mạng)
Trong xã hội ngày nay chúng ta thấy có rất nhiều người tu phước, nhưng họ chẳng thể chuyển đổi nghiệp chướng của chính họ trở lại được, do đó làm cho người khác khi nhìn vào không tránh khỏi khởi lên lòng nghi ngờ : “Người này thường làm nhiều việc từ thiện, thế sao nghiệp chướng của họ chẳng thể chuyển đổi trở lại, rõ ràng là Phật, Bồ Tát chẳng có bảo hộ cho họ”. Điều này khiến cho xã hội đại chúng mất đi lòng tin với Phật pháp. Vậy tại sao họ làm phước nhưng chẳng thể chuyển được nghiệp của họ ? Vì chẳng chịu dốc hết sức lực để làm, họ chỉ dùng một phần nhỏ để tu phước, vậy thì làm sao có thể chuyển đổi nghiệp trở lại ?
Lúc trước tôi ở Đài Loan có quen biết cư sĩ Lý Kiến Hưng, ông có thể nói là rất nổi tiếng là người hành thiện ở Đài Loan, lúc về già thì mắc phải căn bệnh lãng trí của người già, cầu sanh không được mà cầu chết cũng không xong, có lẽ phải kéo dài mười mấy năm mới thoát được. Tại sao ông ta không thể chuyển trở lại được ? Vì phước báo của ông quá lớn, tài sản quá nhiều, làm một chút chuyện thiện nhỏ này đối với ông chỉ như một cọng lông của chín con trâu, huống chi ông chẳng có tâm cung kính chân thành khi tu thiện, cho nên ông chẳng thể chuyển được nghiệp nổi. Nếu như ông có thể làm đúng như lời đức Phật đã dạy trong Kinh mà tận tâm tận lực bố thí cúng dường, thì nghiệp chướng gì cũng sẽ tiêu hết.
Trong Kinh, đức Phật dạy : “Càng xả thì càng có nhiều”.
Người thế gian không tin tưởng điều này. Họ có mười triệu, họ chịu xả mười ngàn thì đã là khá lắm rồi, cũng đã lấy làm rất đáng kiêu ngạo lắm rồi, nếu so với người khác thì nhiều lắm, như vậy thì làm sao có thể giúp họ chuyển nghiệp nổi. Nếu như họ chịu dùng hết tài sản để tu bố thí cúng dường, thì nhất định tiền tài sau đó sẽ lập tức đến liền. Bạn sẽ hỏi : “Lời nói này có gì để chứng minh không ?”.
Có chứ, Phạm Lãi của thời đại Xuân-Thu là một ví dụ rất rõ ràng, ông là đại thần của Việt Vương Câu Tiễn, ông là một người thông minh tuyệt đỉnh, ông giúp Việt Vương Câu Tiễn đánh bại Ngô Vương Phù Sai, phục hưng đất nước. Ông biết rõ Việt Vương Câu Tiễn, biết Câu Tiễn là người chỉ có thể cùng hoạn nạn, chứ không thể cùng phú quý, cho nên khi đất nước vừa phục hưng ông liền trốn đi, thay đổi tên họ thành Đào Châu Công. Ông bắt đầu làm ăn buôn bán nhỏ, chưa được mấy năm thì liền giàu to. Sau khi giàu có, ông liền đem hết tài sản đi cứu trợ những người nghèo khổ, dùng hết tiền tài để cứu trợ. Sau đó lại bắt đầu bằng công việc buôn bán nhỏ, qua được vài năm lại giàu to. Ông giàu ba lần đều đem tài sản phân tán đúng ba lần.
Việc này chứng minh lời nói của đức Phật mãi mãi không có sai :”Trong mạng của bạn có bao nhiêu tiền của, thì đem đi đâu bỏ cũng chẳng mất”.
Ngày hôm nay ta đem tiền của bố thí hết sạch thì qua mấy ngày sau nó liền trở lại. Tiền của của mình thì chắc chắn là của mình, sẽ không mất đi đâu được. Trong mạng của mình có thì sẽ không bao giờ mất.
Ngày nay mọi người đều không tin lời đức Phật dạy, cho rằng ngày hôm nay nếu bố thí hết sạch thì ngày mai làm sao có cơm ăn ? Ngày mai lấy gì để sinh sống ? Chỉ nghĩ đến ngày mai thôi sao, cả cuộc đời còn nghĩ đến đời con cháu nữa, cho nên một đồng xu cũng không chịu bỏ ra. Nói thật đây là một suy nghĩ sai lầm, nếu không chịu xả thì phước báo sẽ hưởng hết rất nhanh, sau khi hưởng xong thì không còn gì nữa, đến lúc đó thì mới thật sự là khổ. Họ chẳng biết rằng càng xả thì sẽ càng giàu có.
A Di Đà Phật !
_ Tài liệu tham khảo : Pháp ngữ của pháp sư Tịnh Không_
Hoan nghênh lưu thông, công đức vô lượng !!!