Trang chủ NÊN CÚNG ÔNG CÔNG ÔNG TÁO Ở ĐÂU?

NÊN CÚNG ÔNG CÔNG ÔNG TÁO Ở ĐÂU?

Cúng ông Công ông Táo là một tập tục truyền thống của người Việt. Thế nhưng không ít người thắc mắc nên cúng ông Công ông Táo ở đâu, trong nhà hay dưới bếp là đúng nhất.
Thần Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ bắt nguồn từ sự tích “2 ông 1 bà” – vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo quân hoặc ông Táo.
Theo quan niệm của người xưa, ba vị thần này được Trung ương Hoàng Đế phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm thiện – ác của loài người.
Sau đó, cứ vào ngày 23 hàng năm, Táo quân lại cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người.
Vì thế, cứ đến ngày 23 tháng Chạp – Tết ông Công ông Táo là người Việt lại làm lễ cúng tiễn ông Công ông Táo về chầu trời. Đây là lễ mở đầu cho hàng loạt các nghi lễ trong Tết Nguyên đán của người Việt, kéo dài từ ngày 23 tháng Chạp cho đến Rằm tháng Giêng Người dân thường chuẩn bị mâm cúng chu đáo.
Từ xưa đến nay, các gia đình thường cúng ông Công ông Táo trên bàn thờ gia tiên, nhưng thực tế đây là hai vị thần khác nhau. Ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là 3 vị đầu rau trông coi việc bếp núc trong gia đình.
Theo GS.TS Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hoá Du lịch, lễ cúng 23 tháng Chạp là lễ tiễn chung ông Công ông Táo về chầu trời, việc mọi người gộp chung cúng trên bàn thờ là chưa đúng.
“Chúng ta phải đặt mâm cúng ở hai nơi, ở bếp và bàn thờ tổ tiên. Ông Táo phải được cúng dưới bếp, còn ông Công được cúng trên bàn thờ chính trên nhà cùng với gia tiên mới đúng”, giáo sư Vũ Gia Hiền nói.
Giáo sư Hiền cũng cho biết, bàn thờ ông Táo đặt trong bếp có thể bên cạnh hoặc bên trên bếp, thể hiện tín ngưỡng của dân gian thờ vị thần cai quản chuyện bếp núc trong mỗi gia đình với mong muốn giữ cho bếp lửa luôn ấm, gia đình thuận hòa, sung túc.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Lý học Đông phương cũng chung với ý kiến của giáo sư Hiền. Theo ông Tuấn Anh, các gia đình thường cúng ông Công ông Táo trên bàn thờ gia tiên, nhưng thực tế đây là hai vị thần khác nhau.
Trong ngày này, ông Táo phải được cúng dưới bếp, còn ông Công được cúng trên bàn thờ chính trên nhà cùng với gia tiên mới đúng.