Trang chủ Lý giải nỗ lực tu hành nhưng vì sao công phu một đời không đạt kết quả

CHÚNG TA ĐỀU BIẾT, CÓ RẤT NHIỀU NGƯỜI THỰC SỰ NỖ LỰC TU HÀNH, NHƯNG VÌ SAO CÔNG PHU MỘT ĐỜI KHÔNG ĐẠT KẾT QUẢ, ĐẾN THỜI ĐIỂM LÂM CHUNG THÌ RA ĐI TRONG TRẠNG THÁI MƠ MÀNG MỜ MỊT?

Chùa pháp vân

Trong sự tu học Phật pháp [có hạnh môn và giải môn thì] giải môn là quan trọng trước nhất. Sau khi hiểu đúng rồi thì sự thực hành, công phu mới đạt hiệu quả. Chúng ta đều biết, có rất nhiều người thực sự nỗ lực tu hành, nhưng vì sao công phu một đời không đạt kết quả, đến thời điểm lâm chung thì ra đi trong trạng thái mơ màng mờ mịt? Chúng ta thấy rất nhiều, nghe biết rất nhiều những trường hợp như thế, nên phải xem đó mà tự cảnh tỉnh mình.

Lại có những người suốt đời chưa từng được nghe giảng kinh, thậm chí còn không biết đọc chữ, chuyện gì cũng không biết, chỉ học được mỗi một câu “A-di-đà Phật”, niệm mãi cho đến phút cuối cùng có thể đứng mà vãng sinh, ngồi mà vãng sinh, chuyện như thế là thế nào? Xin thưa, đó là những người có trí tuệ chân thật. Họ như thế nào? Họ có lòng tin thanh tịnh. Kinh Kim Cang nói: “Lòng tin thanh tịnh ắt sinh thật tướng.”

Ngày trước Lý lão sư thường nói, những người này là người ngu, nhưng là kiểu ngu [chúng ta] không theo kịp. Kiểu ngu của họ, chúng ta không thể sánh bằng. Vì sao vậy? Vì trong đầu óc họ thanh tịnh, không hề có những tư tưởng mông lung rối loạn, họ thực sự buông xả hết muôn duyên, họ không cần phải đọc kinh, không cần phải học hỏi điều này điều nọ. Chỉ với một câu Phật hiệu, họ có thể thành tựu đạo Vô thượng, ai có thể sánh được với họ?

Dù là pháp thế gian hay Phật pháp cũng đều nhấn mạnh vào hai hạng người, bậc thượng căn thượng trí và hạng người ngu không học. Hai hạng người này đều có thể được hóa độ tốt nhất. Một hạng là căn cơ cao trổi nhất, một hạng lại là căn cơ thấp kém nhất. Bậc căn cơ cao trổi có trí tuệ, tâm thanh tịnh, một khi nghe giảng thuyết qua liền thông đạt, hiểu rõ. Hạng căn cơ thấp kém tuy không có trí tuệ, nhưng không có vọng tưởng, người khác thật lòng chỉ dạy điều gì, họ tiếp nhận cho đến rốt cùng. Hai hạng người này chỉ cần gặp được Phật pháp là nhất định thành tựu.

Khó [hóa độ] nhất là hạng người ở quãng giữa, tức là hạng có tri thức nửa vời, chẳng thuộc hạng cao, không phải hạng thấp, nhưng luôn tự cho mình là thông minh, tự cho mình là đúng, tự mình làm chướng ngại cho chính mình, tức là phạm vào sai lầm lớn.

Chư Phật, Bồ Tát giáo hóa chúng sinh chính là nhắm đến đối tượng này, là những người khó giáo hóa nhất, kinh Địa Tạng gọi là “cứng đầu khó dạy”. Đức Thế Tôn đối với hạng căn cơ cao trổi hay căn cơ thấp kém nhất, chỉ cần giảng kinh thuyết pháp trong khoảng mấy giờ đã có thể xong việc, đâu cần phải giảng đến 49 năm? Trong suốt 49 năm dùng tâm từ bi khó nhọc giảng dạy, chính là vì hạng chúng sinh [khó hóa độ] như chúng ta đây. Cho nên, hạng chúng sinh có căn cơ trung bình mới thực sự phiền toái nhất, thật không dễ hóa độ chút nào. Họ tự cho mình là thông minh, tự cho mình là có trí tuệ, không tự biết mình đang mê hoặc. Vì mê hoặc nên tạo nghiệp.

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT 🙏🙏🙏

– Trích Giảng Giải Cảm Ứng Thiên, tập 20, HT. Tịnh Không giảng_