Phật tử à, có bao giờ các vị nhìn lại, thấy mình quá đáng lắm không, hay cứ mãi vào chùa soi mói lỗi của Tăng Ni, rồi đi ra đường bêu rếu. Quý thầy, quý sư cô còn đang tu, là còn đang sửa, chứ đã thành Phật, thánh nhân đâu mà muốn cho toàn mỹ.

Đi tu ở Việt Nam, như làm dâu trăm họ vậy, hỏi sao cho vừa lòng người. Trong khi những gì quý vị muốn chỉ là vọng tưởng.

Nhiều lúc nhìn lại thấy thương quý thầy quý cô, bỏ cha bỏ mẹ vào chùa, quyết tìm cho ra đạo giải thoát. Đã bỏ hết tất cả thì ai chẳng mong ra khỏi sanh tử, hoặc vãng sanh cực lạc, hoặc kiến tánh thành Phật ngay trong một đời. Nói đúng ra, các bậc xuất sĩ từ thời đức Phật còn tại thế chỉ sáng sớm theo Tăng đoàn đi khất thực, thọ trai xong, lặng lẽ vào rừng hành thiền, tùy duyên thuyết pháp, chứ không có đa sự như bây giờ.

Nếu có đám tang, như trưởng giả Cấp Cô Độc sắp lâm chung, thì đức Phật dạy ngài Xá Lợi Phất đến thuyết pháp khai thị cho ông, nhờ vậy mà Tu Đạt sanh thiên, chứ đâu phải rườm rà pháp sự. Nghĩ lại, riêng chuyện đám xá thôi là quý thầy chạy lo tất bật cho quý vị, đâu còn thời gian tu.

Đồng ý với quý vị tu là tại tâm, nhưng một khi thân đã chưa an, thì tâm là sao an. Vậy mà bất chấp ngày An Cư, Bố Tát quý Phật tử cũng không từ, cứ thỉnh Tăng Ni đi miết. Nghĩ thật xót xa. Trách nhiệm của quý Phật tử là hộ trì cho chư Tăng Ni an ổn tu học, bằng cách cúng dường vật thực, tứ sự, lo xây dựng chùa chiền cho đầy đủ, quý Tăng Ni chỉ đền đáp lại bằng pháp thí, nghĩa là đem kinh nghiệm tu học mình ra thuyết giảng, chứ đâu phải là Bồ tát Thiên Thủ Thiên Nhãn đâu mà đáp ứng mọi mong cầu của quý vị.

Dù biết, đạo Phật nói ngày giờ nào cũng tốt, tùy theo việc làm thiện ác của mình. Nhưng quý Phật tử dám tin không? Kinh Nguyên Thủy, đức Phật nhấn mạnh nhân quả chứ không cúng sao giải hạn, nhưng quý Phật tử có chịu không? Đạo Phật là lẽ sống an lạc hiện tiền, chứ không phải nặng về lễ nghi hình thức cúng kính, nếu xảy ra điều gì bất ổn, quý vị có chấp nhận đó là quả xấu của mình hay nhờ thầy cúng?

Nếu quý thầy ngồi yên tu quý vị có chịu không? Tất nhiên là không! Nghĩa là quý vị tuy mang tiếng là Phật tử, nhưng ít ai chịu tin hẳn vào lời Phật dạy, lo tu tập, trị liệu và sửa đổi bản thân, đa số chỉ thuận theo phàm tình, lề lối, tập tục, lễ nghi thế gian, chứ không hẳn vì đạo giải thoát. Nên tư tưởng phương tiện trong Phật giáo Đại thừa bắt nguồn từ đó. Để tạo thuận duyên cho quý vị tiếp xúc với lời Phật dạy, buộc quý thầy phải học xem ngày giờ tốt xấu, phương hướng cát hung, cúng sao giải hạn, tụng kinh siêu độ,xin xăm bói quẻ, cầu tự… làm tất tần tật, những gì có thể để quý vị hướng tâm về Phật pháp.

Nhưng rất tiếc, quý vị chẳng hiểu, đều lấy phương tiện làm cứu cánh. Các vị chỉ sợ mất sự giàu sang, vinh hiển hiện đời, không con nối dõi, rồi chạy theo những thuật ấy, chứ không màng gì tới chuyện tu tập, giải thoát. Rồi quay lại trách quý thầy! Thầy này thế này, cô kia thế nọ,…, bậc xuất sĩ đi tu vì đạo giải thoát, cần có thời gian chuyên tâm tu tập, chứ đâu phải để thỏa mãn phàm tình của quý vị đâu. Nói trắng ra, có bao giờ quý vị, để thời gian cho chư Tăng Ni tu tập, hay thật tâm cúng dường hộ trì chỉ vì sự trường tồn của Phật pháp?

Đôi khi, nghĩ mà đau, nhiều vị chỉ biết cúng dường cho quý thầy, quý sư cô, nhân dịp xem ngày giờ hay tụng kinh đám, đó là lẽ tất nhiên trong đạo lý đối đãi. Tuy nhiên, chẳng lẽ người tu cũng chỉ ngang bằng với một ông thầy bói, hay ông thầy cúng, thầy bùa trong mắt quý vị, để rồi đằng sau đó, quý vị tha hồ tạo nghiệp? Nếu nhà chùa đăng bảng không xem ngày giờ, chỉ tiếp nhận người chuyên tu, thì những căn cơ hạ liệt như quý vị để cho ai. Nên buộc quý thầy phải hy sinh rất nhiều.

Nhiều Phật tử, theo một vị thầy không phải vì học pháp, chỉ vì tin vào tử vi, tướng số. Nhưng không tử vi tướng số nào qua nhân quả cả. Dụng của nó chỉ mang tính chất nhất thời, nên những ai lạm dụng các phương thuật dân gian đều phải trả quả khốc liệt khi hết phước. Nếu bảo quý vị tu để giải nghiệp, liệu quý vị dám tin không?

Còn nữa, nhiều vị cúng dường có nhiêu đâu, chủ yếu đến chùa để thiếp lập tình cảm với quý thầy, kiểu như đệ tử ruột. Mình bỏ tiền ra mình có quyền, buộc thầy phải chìu lòng mình không thôi sẽ mất. Nực cười, người tu đã cắt ái ly gia, cha mẹ còn bỏ thì va vô mình nhận mẹ nuôi, chị nuôi chi cho thêm ràng buộc. Đó là bất hiếu. Hơn nữa, quý vị cúng dường thì quý vị có phước, nhờ vào tâm buông bỏ tài sản, chứ đâu phải nhất định phải vinh danh, lấy lòng. Bằng bố thí cúng dường với tâm niệm nhiễm ô như vậy là chấp tướng.

Cư sĩ càng tu như vậy càng tăng trưởng lòng ngạo mạn. Bất quá nhờ làm phước với lòng sân như vậy thì kiếp sau sanh làm loài A Tu La hay Súc sanh thần thôi, chứ đâu lợi lạc gì cho đạo giải thoát. Người chân thật thương các vị, bằng lòng từ bi, sẽ không dễ dàng để mất chí khí của mình vì dăm đồng bạc lẻ ấy đâu. Thân quý thầy còn không tiếc, huống chi vật chất bên ngoài.

Vậy đó, nên thầy la, thầy nhắc cái giận, bỏ đi, đầu sư theo vị thầy khác, làm quý thầy xích mích lẫn nhau. Tật lạ, quy y rồi, thầy Bổn sư còn đó, mà thọ cho năm sáu cái Pháp danh, từ quý thầy nổi tiếng trong nước, đến các vị Lạt Ma nước ngoài. Chi vậy? Đến khi mất, vẫn nhờ quý thầy Việt Nam cúng đám, rồi lấy Pháp danh nào? Muốn làm thánh, trước hết phải học đạo làm người. Đã phụ thầy Bổn Sư của mình thì đó là tội đọa, chứ đâu thể nói không nhân quả. Quy y Tăng là quy y tất cả quý thầy cô, nhưng học pháp với ai, nhất định không được khinh suất. Với thầy mình, mình còn xem thường, thì làm sao thấy tất cả chúng sanh đều có Phật tánh? Đó là trái nhân luân.

Nếu viện lý do, Thiện Tài đồng tử có 53 vị thầy, thì xin nhắc lại, Thiện Tài đồng tử không tự ý đi tham học với thầy khác, ngoại trừ sự hướng dẫn của thầy mình, sau khi đã hoàn tất việc học với thầy mình. Đó mới là đạo lý chân thật. Tâm quý vị như con khỉ chuyền cành, nay học pháp này, mai hành pháp khác, chẳng chuyên nhất, thì không thể nào giác ngộ được. Hỏi đến, thì làm như Việt Nam không có người tu chứng, nên phải bôn ba lắm. Sở dĩ mình không gặp bậc minh sư là do nghiệp ngăn che. Chứ đã chân thật tu hành thì ai dám vỗ ngực xưng tên.

Chỉ có vô quan tài rồi mới biết ai thật, ai giả. Bằng căn cứ vào xá lợi cũng không chắc. Vì chỉ có Pháp thân là xá lợi chân thật. Thậm chí, trách quý thầy bôn ba ngoại sự, thử hỏi vì ai? Nếu quý vị lo cho tròn bổn phận người Phật tử, cho quý thầy hạ thủ công phu, thì đó mới là phước báu chân thật. Nói thật, ngày nay quý Phật tử truy cầu danh tướng quá nhiều.

Phật tử à, các vị thử hỏi mình đi chùa vì mục đích gì. Nếu vì mục đích giải thoát sanh tử thì nên lo học kinh điển, nắm chắc một pháp tu, lo ứng dụng ngay, đừng để chần chừ. Vì thời gian như tên bắn, vô thường đâu có đợi mình. Phước bố thí dù lớn, sự nghiệp thế gian dù vẻ vang bao nhiêu cũng vô thường, gia quyến hạnh phúc mất rồi cũng ly tán theo nhân duyên, nên chẳng gì cứu được ta trước cái hẹn của tử thần. Chỉ có nghiệp đi theo mình. Tịnh tâm là giải thoát.

Nếu các vị muốn làm một người Phật tử chân chính, chỉ có học pháp và hành pháp, cũng như trợ tuyên giáo pháp. Đừng lấy phương tiện làm cứu cánh. Phải trợ thuận duyên cho quý thầy, quý sư cô an tâm tu học. Hãy nhìn lại chính mình, trước khi trách cứ quý thầy, quý sư cô điều gì. Trong khi, đứng về góc độ giới luật, quý vị cư sĩ không có thẩm quyền. Phật tử đã thật lòng hộ pháp chưa?

Bài viết: “Phật tử à!”
Chí Ngu/ Vườn hoa Phật giáo