Trang chủ Tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam thời Lý Trần

TINH THẦN NHẬP THẾ CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỜI LÝ – TRẦN

 

Phật giáo thời lý trần

                                                                                                                                                                                         Đại đức Thích Đạo Phong

Trong lịch sử đã chứng minh cho chúng ta thấy  Phật giáo Việt Nam thời Lý – Trần đã thể hiện trọn vẹn tinh thần vì dân vì nước. Dưới thời đại này, Phật giáo Việt Nam có nhiều bậc danh Tăng tài ba, lỗi lạc xuất hiện đem tài sức của mình phục vụ cho đất nước. Các Ngài xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau, khi thì đóng vai Thái sư như Thiền sư Khuông Việt, hay lại làm người chèo đò như Pháp sư Đỗ Thuận, lúc lại làm người thợ đúc đồng như Thiền sư Nguyễn Minh Không ..vv.

Đối với các Ngài, hình thức cư sĩ, tu sĩ, làm quan, hay người chèo đò ..vv. chẳng qua chỉ là lớp áo đổi thay không ngừng trên sân khấu cuộc đời. Trong tâm niệm các Ngài luôn mong mỏi đem lại ấm no hạnh phúc cho dân tộc. Vì vậy, tất cả những Thiền sư đi vào cuộc đời mà không bị danh lợi, quyền thế làm hoen ố vẩn đục, tâm hồn các Ngài luôn thanh thoát như những đoá hoa sen thơm ngát giữa bùn lầy mà không bị nhiễm cái hôi tanh của bùn. Đó chính là đã thể hiện trọn vẹn tinh thần “ Vô ngã – Tuỳ duyên – Hoà quang đồng trần”.

  1. Tinh thần Vô ngã.

Chúng sinh sở dĩ trôi lăn trong sinh tử luân hồi là do chấp thân này là ta, rồi thương yêu quý trọng nó, suốt đời lao tâm khổ trí vật lộn với cuộc sống cũng chỉ vì lo cho cái ăn, cái mặc, cái ở ..vv. của ta, cho người thân của ta. Vì vậy thế giới luôn cạnh tranh, nhân loại tương tàn tương sát lẫn nhau, tạo bao lỗi lầm để rồi phải triền miên trong sinh tử luân hồi. Cũng chính vì thế nhà thơ Xuân Diệu từng than thở:

Hoa nở để mà tàn

Trăng tròn để mà khuyết

Bèo hợp để mà tan

Người gần để mà ly biệt.

Vì không hiểu giáo lý Vô ngã, nên con người luôn bị hoàn cảnh chi phối, khiến cho bên trong thì bị phiền não quấy nhiễu, bên ngoài thì chạy theo thanh sắc. Bởi vậy con người muốn tự tại mà chưa tự tại, muốn an vui mà chưa lúc nào an vui. Phật giáo nêu rõ các kinh nghiệm cơ bản về khổ đau là sự mất mát chia lìa, còn hạnh phúc là sự lạc thụ, tức sự thụ nhận cái cảm giác an vui, hoan hỷ trong tâm. Giải thoát chính là mặt trái của khổ đau và giải thoát đồng nghĩa với hạnh phúc. Hiểu hạnh phúc là phù hợp với con đường giải thoát. Cốt lõi của đạo lý giải thoát là giáo lý Vô ngã. Các Thiền sư thời Lý – Trần đã hiện thực hoá giáo lý Vô ngã, nâng nó lên thành một triết lý sống. Khi đã hiểu rõ giáo lý vô ngã thì một thể vô ngã trùm khắp vũ trụ, chẳng còn chi những ghét – thương, của ta – của người ..vv. Tất cả các phạm trù đối đãi đều tan biến, con người được tự do tự tại. Đây chính là phong thái của các Thiền sư có thực tu thực chứng  thời Lý – Trần.Vô ngã không có nghĩa là bi quan yếm thế, mà dưới mắt các Thiền sư, huyễn hoá là sức mạnh để làm lợi ích cho chúng sinh, như “ Bồ tát lấy thân như huyễn, hoá độ chúng hữu tình như huyễn”. Chính vì thấu hiểu cuộc đời là vô thường giả tạm nên Thiền sư Vạn Hạnh đã lăn xả vào đời mà không ngại khó khăn nguy hiểm. Ngài không sờn lòng vì sắc thân như huyễn, thấy thân như huyễn để mạnh mẽ vươn lên, không còn sợ hãi trước vạn vật. Đó chính là tinh thần xuất thế của Thiền sư. Ngài đem tinh thần xuất thế để nhập thế cứu đời, làm tất cả những việc mà người tầm thường không làm được.

Vào buổi đầu nhà Lý, Thiền sư Vạn Hạnh đã vận động đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, mở ra một thời kỳ thái bình thịnh trị. Ngài đã đem hết trí lực của mình để phò vua giúp nước, đem lại lợi ích cho tha nhân mà không hề tính toán. Đó là hình ảnh một vị Thiền sư dùng gậy Thiền để bảo vệ non sông đất nước, cống hiến trọn cuộc đời mình cho nền độc lập của nước nhà. Tư tưởng hành đạo của Ngài là phụng sự dân tộc trong tinh thần “ vô ngã vị tha”:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố uý

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Dịch nghĩa:

Thân như bóng chớp chiều tà

Cỏ xuân tươi tốt thu qua rụng rời

Sá chi suy thịnh cuộc đời

Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành

Vận dụng những quy luật tất yếu để phù hợp với thực tại xã hội cũng chính là tâm thức chuyển lưu phù hợp với quan điểm chung trong phạm trù tư tưởng. Sự thăng trầm, thịnh suy của cuộc đời cũng như hạt sương trên đầu ngọn cỏ. Sự sống chết chỉ trong hơi thở, vì vậy nếu có sống thì hãy sống bằng nguyên lý “ biết rõ thực tại”. Thực tại nhân dân, đất nước đang cần thì các Ngài sẵn sàng xả thân làm tất cả. Người xuất gia mong cầu giải thoát nhưng không phải giải thoát để rồi thờ ơ với thực tại xã hội, mà triết học hành động của Thiền sư Vạn Hạnh tiêu biểu chung cho thái độ của các Thiền sư: làm thì làm nhưng không mắc kẹt vào công việc, không kẹt vào các pháp hữu vi. Đó là triết lý Vô trụ. Chính vì thế mà khi đất nước loạn ly thì các Ngài dấn thân vào đời để giúp đời, khi đất nước thanh bình thì các Ngài lại lui về chùa sống đời nhàn tản.

Đặc biệt, vô ngã là cái đẹp tuyệt đối vì nó không hạn hẹp bởi thời gian – không gian, không nhuốm màu phân biệt. Khi nó toả ra trong cuộc sống thì đó là lòng Đại Từ Bi, khi nó vươn đến tầng cao thì đó là Đại Trí Tuệ. Vì cái đẹp tuyệt đối nên không có phân biệt chủ khách. Trong khoảng trời đất bao la, giữa chốn thôn quê yên tĩnh ông chài chìm sâu vào giấc ngủ, tinh thần vô tư vô ngã được thể hiện rõ qua bài thơ “ Ngư Nhàn”:

Vạn lý thanh giang vạn lý thiên

Nhất thôn tang giá nhất thôn yên

Ngư ông thuỵ trước vô nhân hoán

Quá ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền.

Dịch nghĩa:

Bát ngát sông xanh bát ngát trời

Một thôn dâu giá một làn hơi

Ông chài ngủ tít không người gọi

Tỉnh dậy thuyền trưa ngập tuyết rơi[1]

Tinh thần Vô ngã không mang ý nghĩa phi nhân bản với cách hiểu xoá bỏ con người – cá nhân mà chính là yêu cầu giải phóng tuyệt đối với con người – giải phóng mọi ràng buộc của tự nhiên, xã hội và của cả chính bản thân mình. Nó tạo lên một con người tự do tuyệt đối, nói như Trần Thánh Tông là “ đã nhảy ra khỏi vạn tầng của ngục tù mặc sức tung hoành”.

Đây cũng là một khía cạnh của tinh thần phá chấp ở cấp độ cao, phá bỏ cái chấp khó phá bỏ, nhất là chấp ngã, khư khư bám vào cái tôi thấy, tôi nghe, tôi nghĩ ..vv. Giáo lý Vô ngã giúp con người phá bỏ được cái chấp thủ, vượt lên trên cái nhìn nhị nguyên để đạt đến cái nhìn bình đẳng vô sai biệt đối với vạn vật. Các vị Thiền sư thời Lý – Trần bằng tinh thần vô ngã đã trang bị cho mọi người lòng tự tin hơn vào nền độc lập tự chủ của nước nhà. Khiến họ tin tưởng hơn vào sự nghiệp chung của dân tộc, sự nghiệp đoàn kết toàn dân bảo vệ đất nước sẽ thắng lợi vẻ vang. Lòng tin được củng cố và cũng chính là động lực mạnh mẽ thúc đẩy họ tham gia tích cực hơn vào sự nghiệp vĩ đại của dân tộc: giữ vững quyền tự chủ của đất nước.

Tinh thần vô ngã còn đem lại cho con người lòng vị tha – yếu tố tối cần thiết cho những nhà cầm quyền nếu muốn đem lại hạnh phúc thực sự cho nhân dân và hợp lòng dân. Có quên mình thì mới thấy đúng sự thực cuộc sống của nhân dân từ nơi vị trí cao nhất trong xã hội. Nhờ tinh thần ấy mà những người lãnh đạo quốc gia thời ấy, khi nhận trách nhiệm thì tận tuỵ hết lòng, khi hết vai trò thì dễ dàng lìa bỏ ngai vàng như trút bỏ chiếc giày rách. Họ tuỳ duyên mà hành động đi đến vô tâm, bởi hiểu biết quy luật vô thường của cuộc sống và không lầm “ cái tôi” là một giá trị vĩnh hằng. Chính vì thế mà họ đã sống trọn vẹn và hoàn thành nghĩa vụ của một con người.

Tóm lại, tinh thần vô ngã của các Thiền sư đã góp phần ảnh hưởng đến tâm hồn, nhân cách con người thời đại Lý – Trần. Nó đã giúp con người sống cởi mở, vị tha hơn và cũng tự tin, hào hùng hơn, đặc biệt là với giai cấp cầm quyền phong kiến đương thời – nhân tố quan trọng trong công cuộc phục hưng và phát triển kỳ diệu của dân tộc Đại Việt. Soi lại tấm gương sáng của người đi trước, mỗi người trong chúng ta ngày nay hẳn đều tâm đắc được những bài học sâu xa cho bản thân.

  1. Tinh thần tuỳ duyên.

Đạo Phật bắt nguồn từ Ấn Độ, nhưng cành lá của đạo Phật ngày nay vẫn luôn lan toả khắp năm châu bốn biển. Đạo Phật luôn “ Tuỳ duyên” theo từng phong tục tập quán ở mỗi quốc gia khác nhau, nhưng tính chất “ Bất biến” của đạo Phật không bao giờ thay đổi. Tinh thần này ba đời chư Phật luôn tiếp nối nhau vận dụng để cứu độ chúng sinh:

Phật thân sung mãn ư thập phương

Phổ hiện nhất thiết chúng sinh tiền

Tuỳ duyên phó cảm mị bất chu

Nhi thường xử thử Bồ đề toà.[2]

Tinh thần “ Tuỳ duyên bất biến” đó được các Thiền sư thời Lý – Trần thực hiện bằng cách thể nhập vào cuộc sống xã hội, hoá độ tất cả mọi đối tượng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Các Ngài vận dụng sắc thân như huyễn để cống hiến cho nhân dân, cho đất nước. Toạ thiền hay hành thiền chỗ nào lại chẳng là thiền, chỗ nào lại chẳng có Niết Bàn. Với tâm không dính mắc thì đời là đạo, tâm ấy chính là tâm thiền. Tâm thiền hiện hữu thì đời sống ấy chính là thiền. Đối với các Ngài thì sự tu học gắn liền với mọi sinh hoạt của cuộc sống đời thường, và liên hệ chặt chẽ với những hoạt động của mọi người trong xã hội. Tinh thần tuỳ duyên ấy thể hiện rất rõ ràng ở Trần Nhân Tông:

Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên

Gia trung hữu bảo hưu tầm mích

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Nghĩa là:

Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên

Hễ đói thì ăn mệt ngủ liền

Châu báu đầy nhà đừng chạy kiếm

Lặng lòng đối cảnh hỏi chi thiền.[3]

Đó chính là tuỳ duyên mà hành động, đem đạo vào đời để phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân cùng với việc tham thiền học đạo. Bởi vì các Thiền sư biết rất rõ “ đạo bất viễn nhân”, đạo phải được sống, được thể nghiệm ngay trong lòng cuộc đời như kinh Phổ Hiền nói: “ Phụng sự chúng sinh là cúng dàng chư Phật, trang nghiêm thế gian là trang nghiêm tịnh độ của chư Phật”.

Thể theo tinh thần ấy, các Thiền sư thời Lý – Trần luôn lấy chúng sinh làm đối tượng để phụng sự. Các Ngài tuỳ duyên mà xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau để dấn thân vào đời hoá độ chúng sinh. Khi thì đóng vai Thái sư, Quốc sư, khi thì làm người chèo đò, lúc làm người thầy thuốc ..vv. Nhưng tất cả những hình thức đó không ngoài mục đích là làm vơi bớt đau khổ, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Bởi lẽ cõi Ta Bà này là cõi đời đau khổ, nên các vị Thiền sư mang tâm hồn Bồ tát vào đời độ sinh, như là dòng suối uyên nguyên ngọt ngào hương vị tưới mát lòng nhân thế:

Bồ Tát đi vào đời

Như hoa nở khắp nơi

Tô điểm màu tươi thắm

Trang nghiêm nét tuyệt vời.

Tóm lại, các vị Thiền sư tuỳ duyên vào cuộc đời đã mở ra một chân trời an lạc, trong sáng, hướng dẫn chúng sinh tìm về với đạo pháp, tránh ác làm lành, tu tâm hành thiện để đi đến giải thoát khỏi sinh tử khổ đau.

  1. Tinh thần hoà quang đồng trần.

Thông thường ở thế gian đều có quan niệm rằng Phật giáo là bi quan yếm thế, người xuất gia là “ trốn việc quan đi ở chùa”. Phật giáo có đúng là tiêu cực lánh đời hay không ? Xin thưa rẳng hoàn toàn không. Nếu người nào hiểu ít nhiều về Phật giáo đều biết rằng đạo Phật vốn có tinh thần nhập thế tích cực. Điều này biểu hiện rất rõ ràng qua lời phát nguyện của Tôn giả A Nan:

Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập

Như nhất chúng sinh vị thành Phật

Chung bất ư thử thủ Nê hoàn.[4]

Hàng đệ tử Phật vốn lấy từ bi và trí tuệ làm căn bản, hạnh nhẫn nhục làm nền tảng để dấn thân vào đời hoá độ chúng sinh. Tuy hoà quang đồng trần, đi vào cuộc đời nhưng tâm hồn vẫn thong dong tự tại khác nào “ chim lượn giữa trường không, gió lùa qua khóm trúc”. Tinh thần hoà quang đồng trần này được Thiền sư Hương Hải minh hoạ qua hình ảnh:

Trời không cánh nhạn bay qua

Bóng in đáy nước xoá nhoà một khi

Nhạn không để dấu làm chi

Nước không giữ bóng bởi vì vô tâm.

Trong thời đại Lý – Trần, các Thiền sư đã hoà cùng bước thăng trầm vinh nhục của dân tộc, đất nước. Sự đóng góp của các Ngài dưới các triều đại đã thể hiện rõ nét truyền thống yêu nước của Phật giáo Việt Nam. Điển hình như Thiền sư Vạn Hạnh, người có công đầu trong việc thành lập vương triều Lý, xây dựng đất nước Đại Việt hùng mạnh. Chúng ta có thể nhận thấy điều đó qua lời khẳng định của vua Lý Nhân Tông:

Vạn Hạnh thông ba cõi

Lời Ông nghiệm sấm thi

Quê hương làng Cổ Pháp

Chống gậy trấn kinh kỳ. [5]   

Hình ảnh vị Thiền sư dùng gậy Thiền để bảo vệ non sông đất nước thực là dung dị. Thời đại Lý – Trần không ít những Thiền sư đã tham gia “ trấn giữ” và xây dựng đất nước như thế. Các Ngài luôn tạo ra một khuynh hướng sống cho mình, làm cơ sở cho thực hành sống cho người. Hành trang của các Thiền sư là trí tuệ, từ bi và bình đẳng. Các Ngài mang hành trang của mình đi khắp mọi nẻo đường đất nước với tinh thần hoà quang đồng trần với một mục đích duy nhất là đưa con người đến cuộc sống an lạc hạnh phúc.

Phải chăng “ Hoà quang đồng trần” là những xẻng đất khoả lấp đi hố sâu ngăn cách giữa mình và người, là sợi dây thân ái liên kết trong mối quan hệ của cuộc sống. Nhưng đỉnh cao của nó phải mang tính chất đạo đức, hay nói một cách khác là các Ngài vào đời giáo hoá chúng sinh nhưng không rời bản vị giác ngộ giải thoát. Tạo điều kiện cho mọi người phát triển vươn lên trong chính pháp để được hiện tại lạc trú.

 

 

[1] Thơ văn Lý – Trần.

[2] Kinh Lăng Nghiêm

[3] Văn Thơ Lý – Trần.

[4] Chư kinh Nhật tụng .

[5] Thơ văn Lý – Trần.